Các trường hợp miễn thuế theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế XK, thuế NK nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai thực hiện Luật thuế XK, thuế NK số 107/QH13 đã được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 6- 4- 2016. Báo Hải quan giới thiệu chi tiết một số quy định của Nghị định này hướng dẫn về các trường hợp miễn thuế.

Miễn thuế theo định mức 

Trên cơ sở quy định tại Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK về miễn thuế theo định mức, tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP có 6 điều quy định cụ thể 7 trường hợp miễn thuế theo định mức, gồm: miễn thuế đối với hàng hoá XK, NK của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; miễn thuế đối với tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân; miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng; miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; miễn thuế đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh; miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu và số tiền thuế phải nộp tối thiểu.

Về cơ bản các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục áp dụng của các trường hợp miễn thuế theo định mức trên cơ sở kế thừa quy định pháp luật hiện hành đang thực hiện ổn định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (như Quyết định 52/2015/QĐ-TTg ngày 20-10-2015 về hàng hóa mua bán của cư dân biên giới, Quyết định 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 quy định về định mức hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu được miễn thuế, xét miễn thuế, không chịu thuế) và tham khảo kinh nghiệm một số nước để thực hiện cam kết quốc tế.

Ngoài ra, để đảm bảo việc miễn thuế được thực hiện đúng đối tượng, phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm các nước trong khu vực, tại Nghị định cũng quy định trường hợp vượt định mức miễn thuế thì phải nộp đủ các loại thuế theo quy định của pháp luật đối với số lượng hàng hóa vượt định mức và đảm bảo các quy định của pháp luật về chính sách XK, NK hàng hóa tại thời điểm XK, NK.

Miễn thuế đối với hàng hóa NK để gia công, SXXK

Đối với hàng hóa NK để gia công, sản phẩm gia công XK, Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể nội dung tại khoản 6, Điều 16 của Luật thuế XK, thuế NK 107 trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, đã thực hiện ổn định. Riêng đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa trong quá trình sản xuất gia công, trong thời gian qua, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tại Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có quy định về thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm. Theo đó nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực NK thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng, không phải nộp thuế NK nhưng phải kê khai nộp các thuế khác theo quy định của pháp luật.

Để nâng tính pháp lý và đảm bảo sự ổn định của chính sách, Nghị định đã quy định tỷ lệ phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa trong quá trình sản xuất gia công được miễn thuế trên cơ sở cơ bản kế thừa các quy định hiện hành đang áp dụng và điều chỉnh lại căn cứ tính phù hợp với bản chất của hàng hóa gia công, cụ thể, khoản 4, Điều 10 của Nghị định quy định: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực NK theo hợp đồng gia công được miễn thuế NK khi bán tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan”.

Đối với hàng hóa XK để gia công, sản phẩm gia công NK, tại Điều 11 của Nghị định đã quy định cụ thể đối với tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm XK để gia công thì không được miễn thuế XK. Việc xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế. Đồng thời, để phù hợp với Luật Quản lý thuế về nguyên tắc tự khai tự tính tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế, tại điểm a, khoản 1, Điều 11 của dự thảo Nghị định đã quy định: “Người nộp thuế tự kê khai, tự xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm trước khi làm thủ tục hải quan XK hàng hóa”

Miễn thuế đối với hàng NK để sản xuất XK 

Tại khoản 7 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107 quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK. Theo đó, so với hiện hành đã chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất XK từ đối tượng phải nộp thuế khi NK, được hoàn thuế khi XK sang đối tượng miễn thuế. Hướng dẫn quy định này, tại Điều 12 Nghị định đã quy định rõ các loại nguyên liệu, vật tư và trường hợp được miễn thuế theo loại hình sản xuất XK trên cơ sở kế thừa các trường hợp được hoàn thuế theo quy định hiện hành và chuyển thành trường hợp được miễn thuế theo quy định của Luật thuế XK, thuế NK 2016.

Miễn thuế hàng hóa TN-TX trong thời hạn nhất định

Tại khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107 quy định miễn thuế đối với hàng hóa TN-TX hoặc TX-TN trong thời hạn nhất định. Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định đã hướng dẫn việc miễn thuế trong một số trường hợp như: Hàng hóa TN-TX hoặc TX-TN để bảo hành, sửa chữa, thay thế phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác (trừ trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng); Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa XK, NK, bao gồm: Container rỗng có hoặc không có móc treo; Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng; Các phương tiện khác có thể sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa XK, NK.

Ngoài ra hướng dẫn quy định của điểm đ, khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK, tại Điều 13 Nghị định đã quy định về việc bảo lãnh số tiền thuế đối với hàng hóa kinh doanh TN-TX thực hiện quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật về quản lý thuế. Theo đó, người nộp thuế lựa chọn hình thức đặt cọc trong thời hạn TNTX (bao gồm cả thời gian gia hạn) đối với hàng hóa kinh doanh TN-TX thì phải nộp một khoản tiền tương đương số tiền thuế NK của hàng hóa tạm nhập vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan tại Kho bạc Nhà nước và được hoàn trả khi tái xuất hàng hóa đã tạm nhập.

Nghị định 134/2016/ĐD-CP gồm 3 chương, 40 điều. Chương 1: Quy định chung gồm 4 điều (Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Đối tượng chịu thuế; Áp dụng thuế suất đối với hàng hóa XK, NK; Thời hạn nộp thuế, bảo lãnh, đặt cọc số tiền thuế phải nộp). Chương 2: Miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế gồm 34 điều: Trong đó, quy định về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và hồ sơ, thủ tục để thực hiện việc miễn, giảm, hoàn thuế XK, thuế NK. Chương 3: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (Hiệu lực thi hành, Điều khoản chuyển tiếp, Trách nhiệm thi hành). 

Bài viết cùng chủ đề